Dân cư Najd

Trước khi thành lập Vương quốc Ả Rập Xê Út hiện đại, cư dân bản địa tại Najd chủ yếu là thành viên của một số bộ lạc Ả Rập, họ hoặc là người du cư (bedouin), hoặc là các nông dân và thương nhân định cư. Thành phần còn lại trong dân chúng chủ yếu là người Ả Rập không có liên kết với bộ lạc nào vì nhiều nguyên nhân khác nhau, họ chủ yếu sống trong các thị trấn và làng của Najd, làm các công việc khác nhau như thợ mộc hay Sonnaa' (thợ thủ công). Ngoài ra còn có một nhóm cư dân nhỏ gốc Phi cũng như một số nô lệ hoặc cựu nô lệ gốc Đông và Đông Nam Âu.

Hầu hết các bộ lạc Najd có nguồn gốc Adnan và nhập cư từ TihamahHejaz đến Najd trong thời kỳ cổ đại. Các bộ lạc Najd nổi bật nhất trong giai đoạn tiền Hồi giáo là: Banu Hanifa chiếm giữ khu vực quanh Riyadh ngày nay, Banu Tamim chiếm giữ các khu vực xa hơn về phía bắc, Banu Abs tập trung tại Al-Qassim, Tayy tập trung tại Ha'il, và Banu 'Amir tại miền nam Najd. Từ thế kỷ 15 đến thế kỷ 18, có một dòng nhập cư đáng kể của các bộ lạc từ phía tây, gia tăng dân số du cư cũng như định cư trong khu vực và tạo thành mảnh đất màu mỡ cho phong trào Wahhabi.[31] Đến thế kỷ 20, nhiều bộ lạc cổ đại đã biến hoá thành các bang liên mới hoặc di cư từ các khu vực khác của Trung Đông, và nhiều bộ lạc từ các vùng khác trên bán đảo chuyển đến Najd. Tuy nhiên, thành phần lớn nhất của cư dân Najdi địa phương ngày nay vẫn thuộc về các bộ lạc Najd cổ đại này hoặc các hiện thân mới hơn của họ. Nhiều bộ lạc Najd từng không sống du cư trong thời cổ đại mà là các nông dân và thương nhân định cư rất ổn định. Hoàng tộc Saud có dòng dõi từ bộ lạc Banu Hanifa. Trước khi thành lập Ả Rập Xê Út, các bộ lạc du cư chính tại Najd gồm có Dawasir, Mutayr, 'Utaybah, Shammar (trong lịch sử gọi là Tayy), Subay', Suhool, Harb, và Qahtani tại miền nam Najd. Ngoài những bộ lạc này, nhiều cư dân sống định cư thuộc các bộ lạc Anizzah, Banu Tamim, Banu Hanifa, Banu Khalid và Banu Zayd.

Hầu hết các bộ lạc du cư nay sống định cư trong các thành phố như Riyadh, hoặc trong các khu dân cư đặc biệt gọi là hijra được lập ra vào đầu thế kỷ 20 theo một chính sách có quy mô toàn quốc do Quốc vương Abdul-Aziz tiến hành nhằm kết thúc lối sống du cư. Tuy nhiên, lối sống du cư vẫn tồn tại trong vương quốc, song với số lượng rất nhỏ, thấp xa so với thế đa số trước đây của nó trên bán đảo.

Từ khi thành lập Ả Rập Xê Út hiện đại, Najd và đặc biệt là Riyadh tiếp nhận một dòng người nhập cư từ toàn bộ các vùng trong nước và từ gần như toàn bộ các tầng lớp xã hội. Cư dân Najd địa phương phần lớn cũng chuyển ra khỏi thị trấn hoặc làng quê hương của họ để tới thủ đô Riyadh. Tuy nhiên, hầu hết các làng này vẫn còn lại song với số lượng nhỏ cư dân bản địa. Khoảng một phần tư cư dân Najd, bao gồm khoảng một phần ba cư dân Riyadh, là ngoại kiều không có quyền công dân Ả Rập Xê Út, gồm những người chuyên nghiệp có kỹ năng cũng như các lao động không có kỹ năng.

Chế độ nô lệ tại Ả Rập Xê Út bị Quốc vương Faisal bãi bỏ vào năm 1962, một số cựu nô lệ được giải phóng lựa chọn tiếp tục làm việc cho chủ nô cũ của họ, đặc biệt là cho các chủ nô cũ là thành viên hoàng tộc.

Không giống với Hejaz và Tihamah, Najd là khu vực hẻo lánh và nằm ngoài quyền cai trị của các đế quốc Hồi giáo quan trọng như Abbas và Ottoman. Thực tế này định hình phần lớn tính bất đồng hiện nay của khu vực này với Hejaz.[32]

Khu vực nổi tiếng do có diễn giải nghiêm ngặt về Hồi giáo và thường được nhìn nhận là một thành luỹ của chủ nghĩa bảo thủ tôn giáo. Muhammad ibn Abd al-Wahhab là người sáng lập sự diễn giải nghiêm khắc Hồi giáo được gọi là phong trào Wahhab, là giáo phái được hoàng tộc Saud tin theo, ông ta sinh ra tại 'Uyayna, một ngôi làng thuộc Najd.[33]

Cư dân Najd nói tiếng Ả Rập dưới biến thể này hoặc biến thể khác trong toàn bộ lịch sử thành văn. Giống như các khu vực khác trên bán đảo, tồn tại bất đồng giữa phương ngữ của người Bedouin du cư và phương ngữ của các thị dân định cư. Tuy nhiên, khác biệt này tại Najd ít rõ nét hơn so với những nơi khác trong nước, và phương ngữ định cư Najd dường như có nguồn gốc từ phương ngữ Bedouin, do hầu hết người Najd định cư là hậu duệ của những người Bedouin du cư. Phương ngữ Najd được một số người cho là có ít ảnh hưởng từ bên ngoài nhất trong toàn bộ các phương ngữ Ả Rập hiện đại, do cao nguyên Najd có vị trí cô lập và khí hậu khắc nghiệt, cũng như thiếu vắng nền ngôn ngữ trước đó. Ngôn ngữ Nam Ả Rập cổ đại có vẻ như từng được nói rộng rãi tại Najd thời cổ đại, không giống như tại miền nam Ả Rập Xê Út. Trong nội bộ Najd, các địa phương và thị trấn khác nhau có giọng đặc trưng riêng. Tuy nhiên, thời gian gần đây chúng phần lớn đã hợp nhất và phải chịu ảnh hưởng mạnh từ các phương ngữ Ả Rập của các vùng và quốc gia khác. Điều này diễn ra ở mức độ đặc biệt cao tại Riyadh.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Najd http://www.alriyadh.com/2005/12/26/article118387.h... http://www.britannica.com/EBchecked/topic/31568/hi... http://www.britannica.com/EBchecked/topic/31568/hi... http://www.britannica.com/EBchecked/topic/318035/K... http://aleph.nkp.cz/F/?func=find-c&local_base=aut&... http://d-nb.info/gnd/4210617-5 http://www.relooney.info/SI_Milken-Arabia/0-Import... http://www.islamic-book.net/ar/Rihlat-Alnobowwah.h... http://mosab.hawarey.org/ http://www.jcpa.org/art/nypost-dg6apr03.htm